Recent Blog post
Hiển thị các bài đăng có nhãn mẫu đệ nhị. Hiển thị tất cả bài đăng
Tứ Phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam
Tứ phủ công đồng hay Tứ phủ là một tín ngưỡng nằm trong của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.
Tứ phủ bao gồm:
- Thiên phủ (miền trời): Mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.
- Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.
- Thuỷ phủ (miền sông nước): Mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.
- Địa phủ (miền đất): Mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.
Tam phủ là hệ thống ba vị Mẫu đệ nhất, Mẫu đệ nhị, và Mẫu đệ tam (không bao gồm Mẫu đệ tứ). Mẫu đệ tứ thường được thờ riêng. Riêng Tam phủ Thánh
Mẫu gần như các đền đều thờ. Mẫu đệ tứ các đền thờ ít hơn và thường thờ nơi quàn các vong linh.
Nhiều tài liệu cho rằng Tam tòa Thánh mẫu đều là hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh với 3 lần giáng trần. Còn một số tài liệu khác cho rằng Tam toà Thánh mẫu là hiện thân của ba vị thánh khác nhau:
1.Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên
Thánh Mẫu (Bà Chúa) Liễu Hạnh. Bà vốn là con vua Ngọc Hoàng, Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa, ba lần giáng sinh phàm trần: lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm (tên là Phạm Thị Tiên Nga) ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định (do vâng mệnh giáng sinh), được bốn mươi năm; lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê (cải từ họ Trần, tên là Lê Thị Thắng, hiệu Giáng Tiên) ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định (do lỡ tay đánh rơi chén ngọc nên bị trích giáng), kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời; lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa (do tình nguyện hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang) được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên.
Sau đó bà hiển linh giúp dân giúp nước nên được các triều đại sắc phong là : “Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần”, “Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ” (triều vua Lê Thần Tôn), “Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” (triều vua Lê Huyền Tôn).
Bởi vậy trong văn thỉnh Đức Thánh Mẫu mới có hát rằng:
“ Thỉnh mời Đệ Nhất Thiên Tiên
Sắc phong Chế Thắng xe loan ngự về
Phủ Dày, Vân Cát thôn quê
Nghĩa Hưng, Thiên Bản họ Lê cải trần
Hình dung cốt cách thanh tân
Mười năm định giá hôn nhân xướng tùy”
Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh có ở khắp mọi nơi nhưng các nơi chính vẫn là những nới Mẫu giáng trần hoặc hiển linh lưu dấu thánh tích như: Phủ Nấp_Phủ Quảng Cung Đệ Nhất ở Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định (là nơi Mẫu giáng trần lần đầu tiên). Nguy nga nhất là quần thể Phủ Dày (nơi Mẫu giáng trần lần thứ hai) với các đền phủ chính là: Phủ Công Đồng, Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), Phủ Giáp Ba (Đông Phù Giáp Ba), Phủ Tổ, Đền Khởi Thánh và Lăng Mẫu (do vua Khải Định cùng Hoàng Hậu cầu tự, sinh ra được vua Bảo Đại nên xây để tạ ơn)… Rồi Đền Đồi Ngang_Phố Cát , Đền Sòng thuộc Thanh Hóa (nơi Mẫu giáng hiện lần thứ ba). Ngoài ra còn có Phủ Tây Hồ, Đền Rồng, Đền Dâu, Quán Cháo…đều là những nơi Mẫu để lại thánh tích.
Ngày hội chính của Mẫu là ngày 3/3 âm lịch, tức là ngày Mẫu hóa trong lần giáng sinh thứ hai, ngoài ra ngày rằm tháng 8 ở Phủ Tây Hồ cũng mở tiệc rất long trọng.
2. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Thánh Mẫu (Bà chúa) Sơn Lâm. Bà vốn là con Vua Đế Thích, lần đầu hạ phàm bà là Quế Hoa Mị Nương công chúa, con Vua Hùng Vương. Theo sự tích khi sinh bà ra, Hoàng Hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên Vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa, sau khi sinh được bà thì Hoàng Hậu cũng qua đời nên bà quyết chí tu hành, không kết duyên, về sau cùng mười hai nàng thị nữ vào rừng sâu, được lão tổ truyền đạo. Lần thứ hai bà giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái.
Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, biết lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang, được nhân dân suy tôn là: “Diệu Tín Thuyền Sư Diệu Nghĩa Tàng Hình”, “Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều”. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là: “Lê Mại Đại Vương”. Trong văn thỉnh mời Đức Thánh Mẫu có hát rằng:
“Thỉnh mời Đệ Nhị Chúa Tiên
Vốn xưa giá ngự trên đền Đông Cuông
Hình dung nhan sắc khác thường
Giá danh đổi một hoa vương khôn bì
Biết đâu lá thắm thơ bài
Lòng trinh chẳng động một vài giá xuân”
Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở khắp mọi vùng, nơi nào có rừng núi thì đều có đền Mẫu Thượng. Nhưng nổi tiếng bậc nhất vẫn là cụm di tích Đền Đông Cuông, Đền Vọng Đông và Đền Tuần Quán tại Yên Bái (là nơi Mẫu giáng làm con gái nhà tù trưởng họ Cao). Tiếp nữa có Đền Công Đồng Bắc Lệ và Đền Thất Khê tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, tương truyền là nơi vua Lê Thái Tổ lập để ghi nhớ công ơn Mẫu giúp vua. Ngoài ra còn có Đền Suối Mỡ thuộc Bắc Giang (xưa thuộc Hà Bắc, là nơi dấu tích của Mẫu khi xưa học đạo), Đền Tam Cờ trên tỉnh Tuyên Quang, Đền Mẫu Thượng thuộc thị xã Lào Cai.
Ngày hội chính của Mẫu Đông Cuông thường tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm theo âm lịch. Còn trên Đền Bắc Lệ lại tổ chức hội vào ngày 20/9 âm lịch.
3. Mẫu Đệ Tam Thoải Cung:
Thánh Mẫu (Bà Chúa) Thoải Phủ. Bà vốn là con Vua Bát Hải Thủy Quốc Động Đình, kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Nghe lời tiểu thiếp Thảo Mai, Kính Xuyên vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Bà bèn nhờ Liễu Nghị mang thư kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó bà được minh oan, kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt.
Khi ở chốn Động Đình bà vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này bà còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”.Vậy nên trong văn thỉnh Đức Thánh Mẫu cũng có hát rằng:
“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành”
Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng, và có ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm cũng tên là Đền Mẫu Thoải hay còn gọi là Đền Cửa Sông.
Ngày tiệc chính của Mẫu Thoải là ngày 10/6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.
Tứ phủ trong tín ngưỡng đạo mẫu Việt Nam
Dâng văn Tiên thánh thượng ngàn
Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn chứng đây
Trên ngàn gió cuốn rung cây
Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn
Canh khuya nguyệt lặn sao tàn iii..
Canh khuya nguyệt lặn sao tàn
Chiếc thoi bán nguyệt iii khoan khoan chèo vào
Gập ghềnh quán thấp lầu cao iii..
Gập ghềnh quán thấp lầu cao
Chèo ra núi đỏ chèo vào ngàn xanh
Thượng ngàn tối tú anh linh iii..
Thượng ngàn đệ Nhị tối linh
Ngôi cao công chúa quyền hành núi non
Anh linh đã khắp tiếng đồn
Sấm ran mặt bể mưa tuôn đầu ghềnh
Da ngà mắt phượng long lanh iii..
Da ngà mắt phượng long lanh
Mặt hoa tươi tốt tóc xanh rườm rà
Nhụy hồng tuyết điểm màu da iii..
Nhụy hồng tuyết điểm màu da
Cổ tay tựa ngà đầu vấn tóc mai
Vốn dòng công chúa thiên thai iii..
Vốn dòng công chúa thiên thai
Giáng sinh hạ giới iii..quyền cai thượng ngàn
Quyền cai Hữu Lũng Hà Giang
Sơn tinh cầm thú hổ lang khấu đầu
Quyền cai tam thập lục ngàn châu iii..
Quyền cai tam thập lục ngàn châu
Chín tầng khe suối một bầu tiêu dao
Rong chơi ngàn quế ngàn đào
Khi ra Thác Cái khi vào Thác Con
Chim kêu vượn hót véo von iii..
Chim kêu vượn hót véo von
Chớp bể đồi đoạn mưa nguồn từng phen
Khi nương Gió lúc lại thác Gièm
Tay bẻ cành quế tay vin cành hồng
Vui chơi nước nhược non bồng iii.
Múa mồi: (Bài sai đối triệu lục cung...)
Chậm:
Vui chơi nước nhược non bồng
Phố Cát đền Sòng sông Cả sông Thao
Lân rờn phượng múa thấp cao iii..
Lân rờn phượng múa thấp cao
Ngày mây thấp thoáng iii..trăng sao lững lờ
Nón buồm vai quẩy lẵng hoa iii..
Nón buồm vai quẩy lẵng hoa
Đền kia miếu nọ vào ra chơi bời
Khi thanh vắng lúc lại êm trời iii..
Khi thanh vắng lúc lại êm trời
Ngự trên đỉnh núi ghẹo người hằng nga
Tang tình thôi hát lại ca iii..
Tang tình thôi hát lại ca
Bẻ bai giọng Xá iii..ê a giọng Mường
Tiếng Kinh tiếng Mán tỏ tường iii a..
Tiếng Kinh tiếng Mán tỏ tường
Lục châu quan hỏa líu lường líu lo
Dong chơi bát cảnh ngũ hồ iii..
Dong chơi bát cảnh ngũ hồ
Đua chèo bẻ lái hò dô lại về
Dong chơi ngàn mái ngàn me ii aaa..
Dong chơi ngàn mái ngàn me
Ngàn giang ngàn nứa trúc tre ngàn vầu
Đôi cô Mán – Thổ theo hầu iii..
Đôi cô Mán – Thổ theo hầu
Cô xe chỉ thắm iii a..cô xâu hạt vàng
Trên sơn lâm dọn quán bán hàng iii...
Trên sơn lâm dọn quán bán hàng
Non xanh đủng đỉnh tuyết sương reo hò
Khăn xanh áo lục nhởn nhơ
Khi vào Ba Dội lúc vô Đường chèo
Môi son má phấn mỹ miều
Môi son má phấn mỹ miều
Miệng cười hoa nở mọi chiều mọi hay
Đèn trăng quạt gió màn mây iii..
Đèn trăng quạt gió màn mây
Bóng thông che tán bóng mai tựa hình
Đi suối lúc lại về ghềnh
Đua chèo tiếng phách tiếng sênh reo hò
Chè tàu ba chén tính ưa iii..
Chè tàu ba chén tính ưa
Thanh bông hoa quả ngự thừa lại ban
Yêu ai tài lộc giàu sang iii..
Sa loan thanh gia....
Yêu ai tài lộc giàu sang
Ghét ai chầu quở khôn ngoan nhường nào
Xem xong sự tích Tân La..
Xem xong sự tích Tân La
Vậy nên phúc đẳng hà sa vô cùng
Đệ tử dốc một lòng thành kính
Dâng bản văn chầu ngự giáng lâm
Mời chầu giáng phúc từ trung
Khuông phù đệ tử tăng long thọ trường