Recent Blog post

Hiển thị các bài đăng có nhãn mẫu đệ tam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thủy cung Thánh Mẫu (còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, chữ thoải là đọc trệch từ chữ thủy) là vị nữ thần dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý các miền sông nước

Sự tích Mẫu Đệ Tam - Thủy Cung công chúa


1. Quan niệm dân gian
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, Mẫu Thoải có mặt ở khắp mọi nơi để âm phù.

Mẫu thoải phủ con gái út của Bắc Hải Long Vương lên rẽ nước biển lên trần dạo chơi. Nhưng ngày kia vua cha cho đóng cửa biển nàng công chúa thủy phủ này không còn đường về thủy cung nên đã ở trên trần đầu thai tu nhân tích đức từ cô bé thoại dần trưởng thành xinh đẹp được phong là công chúa thủy phủ rồi đức hạnh ngày càng cao nên được mệnh danh là Mẫu thủy phủ-mẹ của người dân miền sông nước và mẹ có thể cứu con dân, đưa vong lên bờ để không phải chịu sự lạnh giá miền sông nước.

Vì đức độ vì thương yêu con dân nên bà được tôn phong là đệ tam thánh mẫu trong đức thờ Tam tòa thánh mẫu.

Mẹ có trong nguồn nước chúng ta uống, chúng ta sinh trưởng có mẹ. Cây cối tươi tốt con người khỏe mạnh nhờ nguồn nước mẹ ban. Vì vậy công đức của mẹ cũng lớn không kém phần.

Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người mỗi khi đi qua các vùng sông nước. Do vậy, mỗi khi bước xuống đò, qua một khúc sông rộng, người ta thường lẩm nhẩm cầu khấn, xin Mẫu phù hộ độ trì. Mỗi khi có hạn, Mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn khi bão lụt, Mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu canh chừng, nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái.

Trong dân gian, Mẫu Thoải là hình ảnh của bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng cho con cho cháu nhưng lại chịu hàm oan như trong lời hát văn:

Lẽ nào ngọc nát trầm châu
Vùi hoa dập liễu bởi câu Tam tòng...
Sự này há kể chi ai
Lòng trinh chuyển động đất trời chứng minh

2. Thờ cúng
Mẫu Thoải được thờ tại hầu hết các đền chùa có bàn thờ Mẫu. Mẫu còn được thờ làm thành hoàng ở một số vùng thời xưa chuyên nghề sông nước. Giỗ là ngày 12 Tháng Sáu âm lịch khi các con hương đệ tử làm lễ cúng tế rất lớn[2]. Ở điện thờ Mẫu, nếu có đặt ba pho tượng nữ, giống nhau ở gương mặt, tư thế ngồi, và chỉ khác ở trang phục, thì ở bên phải là Mẫu Thượng ngàn, ở giữa là Mẫu Liễu, còn bên trái là Mẫu Thoải. Tại các tượng hoặc ảnh thờ, Mẫu Thoải thường có trang phục màu trắng.

3. Truyền thuyết
Thuyết về vợ vua Thủy Tề
Có thuyết nói Mẫu là vị thần lưỡng tính. Lưỡng tính theo nghĩa: Mẫu là phụ nữ, nhưng được Ngọc Hoàng Thượng đế ban cho sức mạnh và tài năng, nhất là tài sông nước, như nam giới.

Thuyết này cho rằng Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề, là Hoàng hậu ở dưới Thủy cung. Vua Thủy Tề trông coi các việc ở biển, còn Mẫu trông coi các việc ở sông, suối. Do sông suối có ở khắp nơi nên Mẫu cũng có mặt ở khắp nơi, nhất là tại các bến sông lớn.

Một ví dụ cho thuyết này: ở làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Mẫu Thoải được thờ là Thành hoàng và có sắc thượng phong đề "Nhữ Nương Nam nữ Nam Hải Đại Vương".

Thuyết về ba người con gái Lạc Long Quân
Cũng có thuyết nói Mẫu, không phải một, mà là ba. Ba mẫu này là con gái của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Trong số các con, Lạc Long Quân đã chọn ba người giao cho việc cai quản sông biển nước Nam.

Thủy tinh Động đình Ngọc nữ Công chúa.
Hoàng Bà Đoan khiết Phu nhân,
Tam giang Công chúa.
Ba bà đóng dinh cơ ở sông Nguyệt Đức và có nhiệm vụ coi sóc các sông nước, luồng lạch, dạy dân chế tạo thuyền bè và đan các thứ lưới bắt cá, chế ngự các vị thần mưa, thần gió mỗi khi các vị này lạm công, xâm hại đến hạ giới. Các Mẫu còn làm mưa và giúp dân chống lụt.

4. Ghi chép trong sử sách

Đồng bằng Bắc Bộ thường xuyên có nạn lũ lụt. Khi Lý Thái Tổ, vua đầu tiên của nhà Lý, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông bắt tay ngay vào công việc trị thủy. Công việc tiến hành phải đến đời vua sau, đời Lý Thái Tông, mới căn bản xong, các đoạn đê đã được nối vào nhau và có quy mô gần như ngày nay. Trong những năm xây dựng hệ thống đê, nạn lụt vẫn thường xảy ra. Khi đó, mẫu Thoải đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven kinh thành Thăng Long để âm phù, giúp dân đắp đê chống lụt. Tại các làng Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ... nay vẫn còn ghi lại các thần tích.

Vào thời Lê, niên đại Vĩnh Thọ, có lần nước sông Hồng dâng lên rất cao, tràn cả vào Yên Phụ. Nhà vua phải thân hành làm lễ Nam giao (lễ tế cáo trời đất). Các mẫu Thoải đã lập tức ứng hiệu và âm phù giúp dân chống lụt và xua đuổi thủy quái.

Đời Lê Thánh Tông, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm thành. Khi thuyền đi qua vùng Phú Xuyên, Kim Bảng, thì một trận cuồng phong nổi lên. Vua sai lập đàn tràng để cầu xin các vị thần thánh. Mẫu Thoải hay tin, phái một tướng đến dẹp yên gió. Khi thắng trận trở về, nhà vua nhớ công ơn, phong tặng cho tướng ấy là thượng đẳng thần, lấy hiệu là Nguyệt Nga công chúa.

Sự tích Mẫu Đệ Tam - Thủy Cung công chúa

Trong tín ngưỡng của người Việt và của một số dân tộc thiểu số khác ở trên lãnh thổ Việt Nam, việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu tam phủ tứ phủ là hiện tượng khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam phủ tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.[2] Dự kiến đến năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sẽ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể
Các ghi chép

Sự tích tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam


Những tài liệu văn bản ghi chép về các Thánh Mẫu thường xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian và đồng thời cũng có hiện tượng ngược lại là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần thần tích, thần phả. Các truyện kể dân gian về 3 vị thánh mẫu: Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này một số được ghi chép lại trong các sách cổ như Việt điện u linh, ngoài ra còn có các truyện kể dân gian khác về các vị nữ thần được các sách sau này tập hợp và ghi chép lại.

Cùng với việc sưu tầm, một số tác giả là các trí thức nho học thời phong kiến đã tiến hành ghi chép lại và sáng tác thêm những huyền thoại, truyền thuyết đã được sưu tầm ghi chép từ trước và thậm chí là sáng tác thêm cho phù hợp tư tưởng lễ giáo thời kỳ đó. Từ thời Hậu Lê, đã có những việc như vậy nhằm phục vụ cho việc phong thần của các vị vua với hai trường hợp điển hình với các ghi chép-sáng tác về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở miền bắc Việt Nam của Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm và trường hợp thứ hai là về Thiên Y A Na ở nam Trung Bộ Việt Nam của Phan Thanh Giản. Cũng có một nguồn tư liệu khác được dân gian sáng tác từ các huyền thoại, truyền thuyết và thậm chí là các truyện, thơ về các Thánh Mẫu. Đó là các bài hát văn ở Mẫu Tam phủ Tứ phủ với phần cốt lõi của các bài hát văn là lai lịch, sự tích các vị thần, nhất là các Thánh Mẫu.

Các công trình nghiên cứu đầu tiên về Nữ thần, Mẫu thần ở Việt Nam đều là các công trình của các nhà khoa học người Pháp như Parmenties, Maspero, Durand, Simond và kế tiếp là các nhà khoa học người Việt như Nguyễn Văn Huyên, Đào Thái Bình,...

Từ thập niên 1990, nhất là sau hội thảo quốc gia về Thánh Mẫu do Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội), không khí học thuật liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và tín ngưỡng dân gian nói chung diễn ra sôi động, hàng loạt tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được công bố.

Từ các nghiên cứu tổng hợp, các nhà nghiên cứu đã hệ thống hóa được việc tôn thờ Mẫu ở Việt Nam trên cả phương diện đồng đại và lịch đại. Về phương diện lịch đại, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được hình thành và phát triển trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa, rồi tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đỉnh cao là đạo thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ. Tới thế kỷ 17-18, khi mẫu Tam phủ Tứ phủ đã được hình thành và phát triển thì nó lại Tam phủ, Tứ phủ hóa tục thờ Nữ thần, Mẫu thần.

Về phương diện đồng đại, đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào phương nam trong quá trình nam tiến. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer, người Lào từ đó tạo nên các dạng thức địa phương của Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam ở ba miền Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ

Các dạng thức thờ Mẫu

Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử, tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần tương ứng thời kỷ từ thế kỷ 15 trở về trước với việc phong thần của nhà nước phong kiến, hình thức thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Âu Cơ, Ỷ Lan, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương,...

Từ khoảng thế kỷ 15 trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Cô Đôi Thượng Ngàn,... với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo

Thờ Mẫu ở Trung Bộ

Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ, đặc trưng cơ bản của dạng thức thờ Mẫu ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Thánh Mẫu như thờ Thiên Y A Na, Po Nagar

Thờ Mẫu ở Nam bộ

So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn, hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng

Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,...và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,...

Sự tích tín ngưỡng thờ Mẫu, Đạo Mẫu ở Việt Nam

Tứ Phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam
Tứ phủ công đồng hay Tứ phủ là một tín ngưỡng nằm trong của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.

Tứ phủ trong tín ngưỡng đạo mẫu Việt Nam


Tứ phủ bao gồm:

- Thiên phủ (miền trời): Mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.

- Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.

- Thuỷ phủ (miền sông nước): Mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

- Địa phủ (miền đất): Mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

Tam phủ là hệ thống ba vị Mẫu đệ nhất, Mẫu đệ nhị, và Mẫu đệ tam (không bao gồm Mẫu đệ tứ). Mẫu đệ tứ thường được thờ riêng. Riêng Tam phủ Thánh

Mẫu gần như các đền đều thờ. Mẫu đệ tứ các đền thờ ít hơn và thường thờ nơi quàn các vong linh.

Nhiều tài liệu cho rằng Tam tòa Thánh mẫu đều là hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh với 3 lần giáng trần. Còn một số tài liệu khác cho rằng Tam toà Thánh mẫu là hiện thân của ba vị thánh khác nhau:

1.Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên

Thánh Mẫu (Bà Chúa) Liễu Hạnh. Bà vốn là con vua Ngọc Hoàng, Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa, ba lần giáng sinh phàm trần: lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm (tên là Phạm Thị Tiên Nga) ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định (do vâng mệnh giáng sinh), được bốn mươi năm; lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê (cải từ họ Trần, tên là Lê Thị Thắng, hiệu Giáng Tiên) ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định (do lỡ tay đánh rơi chén ngọc nên bị trích giáng), kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời; lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa (do tình nguyện hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang) được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên.

Sau đó bà hiển linh giúp dân giúp nước nên được các triều đại sắc phong là : “Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần”, “Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ” (triều vua Lê Thần Tôn), “Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” (triều vua Lê Huyền Tôn).

Bởi vậy trong văn thỉnh Đức Thánh Mẫu mới có hát rằng:

“ Thỉnh mời Đệ Nhất Thiên Tiên

Sắc phong Chế Thắng xe loan ngự về

Phủ Dày, Vân Cát thôn quê

Nghĩa Hưng, Thiên Bản họ Lê cải trần

Hình dung cốt cách thanh tân

Mười năm định giá hôn nhân xướng tùy”

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh có ở khắp mọi nơi nhưng các nơi chính vẫn là những nới Mẫu giáng trần hoặc hiển linh lưu dấu thánh tích như: Phủ Nấp_Phủ Quảng Cung Đệ Nhất ở Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định (là nơi Mẫu giáng trần lần đầu tiên). Nguy nga nhất là quần thể Phủ Dày (nơi Mẫu giáng trần lần thứ hai) với các đền phủ chính là: Phủ Công Đồng, Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), Phủ Giáp Ba (Đông Phù Giáp Ba), Phủ Tổ, Đền Khởi Thánh và Lăng Mẫu (do vua Khải Định cùng Hoàng Hậu cầu tự, sinh ra được vua Bảo Đại nên xây để tạ ơn)… Rồi Đền Đồi Ngang_Phố Cát , Đền Sòng thuộc Thanh Hóa (nơi Mẫu giáng hiện lần thứ ba). Ngoài ra còn có Phủ Tây Hồ, Đền Rồng, Đền Dâu, Quán Cháo…đều là những nơi Mẫu để lại thánh tích.

Ngày hội chính của Mẫu là ngày 3/3 âm lịch, tức là ngày Mẫu hóa trong lần giáng sinh thứ hai, ngoài ra ngày rằm tháng 8 ở Phủ Tây Hồ cũng mở tiệc rất long trọng.

2. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Thánh Mẫu (Bà chúa) Sơn Lâm. Bà vốn là con Vua Đế Thích, lần đầu hạ phàm bà là Quế Hoa Mị Nương công chúa, con Vua Hùng Vương. Theo sự tích khi sinh bà ra, Hoàng Hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên Vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa, sau khi sinh được bà thì Hoàng Hậu cũng qua đời nên bà quyết chí tu hành, không kết duyên, về sau cùng mười hai nàng thị nữ vào rừng sâu, được lão tổ truyền đạo. Lần thứ hai bà giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái.

Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, biết lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang, được nhân dân suy tôn là: “Diệu Tín Thuyền Sư Diệu Nghĩa Tàng Hình”, “Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều”. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là: “Lê Mại Đại Vương”. Trong văn thỉnh mời Đức Thánh Mẫu có hát rằng:

“Thỉnh mời Đệ Nhị Chúa Tiên

Vốn xưa giá ngự trên đền Đông Cuông

Hình dung nhan sắc khác thường

Giá danh đổi một hoa vương khôn bì

Biết đâu lá thắm thơ bài

Lòng trinh chẳng động một vài giá xuân”

Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở khắp mọi vùng, nơi nào có rừng núi thì đều có đền Mẫu Thượng. Nhưng nổi tiếng bậc nhất vẫn là cụm di tích Đền Đông Cuông, Đền Vọng Đông và Đền Tuần Quán tại Yên Bái (là nơi Mẫu giáng làm con gái nhà tù trưởng họ Cao). Tiếp nữa có Đền Công Đồng Bắc Lệ và Đền Thất Khê tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, tương truyền là nơi vua Lê Thái Tổ lập để ghi nhớ công ơn Mẫu giúp vua. Ngoài ra còn có Đền Suối Mỡ thuộc Bắc Giang (xưa thuộc Hà Bắc, là nơi dấu tích của Mẫu khi xưa học đạo), Đền Tam Cờ trên tỉnh Tuyên Quang, Đền Mẫu Thượng thuộc thị xã Lào Cai.

Ngày hội chính của Mẫu Đông Cuông thường tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm theo âm lịch. Còn trên Đền Bắc Lệ lại tổ chức hội vào ngày 20/9 âm lịch.

3. Mẫu Đệ Tam Thoải Cung:

Thánh Mẫu (Bà Chúa) Thoải Phủ. Bà vốn là con Vua Bát Hải Thủy Quốc Động Đình, kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Nghe lời tiểu thiếp Thảo Mai, Kính Xuyên vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Bà bèn nhờ Liễu Nghị mang thư kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó bà được minh oan, kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt.

Khi ở chốn Động Đình bà vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này bà còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”.Vậy nên trong văn thỉnh Đức Thánh Mẫu cũng có hát rằng:

“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên

Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung

Kính Xuyên sớm kết loan phòng

Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan

Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian

Vàng mười nỡ để lầm than sao đành”

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng, và có ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm cũng tên là Đền Mẫu Thoải hay còn gọi là Đền Cửa Sông.

Ngày tiệc chính của Mẫu Thoải là ngày 10/6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.

Tứ phủ trong tín ngưỡng đạo mẫu Việt Nam



Anh linh lừng lẫy chốn giang khê
Nức tiếng con vua dưới thuỷ tề
Ngán nỗi Kính Xuyên rời chỉ thắm
May nhờ Liễu Nghị chắp dây xe
Rập rìu tin nhạn thư vừa tới
Thấm thoát xe loan phút đã về
Hiển hách xưa nay ai dễ tỏ
Có chăng gửi một bức thư đề
Miễu:
Trạnh giang biên doành ngân lai láng
Nguyệt lầu lầu soi rạng Nam Minh
Con vua thuỷ quốc Động Đình
Có tiên thần nữ giáng sinh đền rồng
Đức gồm vẹn công dung ngôn hạnh
Nết nhu mì bẩm tính thiên nhiên
Dung nghi cốt cách thần tiên
Vàng trong nước lệ ngọc miền non côn
Hằng chầu chực kim môn ngọc điện
Duyên sắt cầm chưa định nơi nao
Chúa từ gìn giữ thanh tao
Gió đằng vương các khư  tao dưới màn
Chốn thuỷ cung có nhà lệnh tộc
Vốn con dòng danh ốc Kính Xuyên
Xưa nay thế phiệt gia truyền
Thảo Mai nàng ấy tạm quyền tiểu tinh
Chí bình sinh phù đời giúp nước
Ân cửu trùng phó thác biên cương
Giá danh công chúa phi phương
May nhờ lá thắm xe duyên tơ hồng
Trên vương phụ có lòng lân mẫn
Thổng:
Cho hai người duyên phận sánh nhau
Chúa từ kết nghĩa trần châu
Đã đành chỉ thắm giành sâu khôn nài
Ước trăm năm duyên hài phối thất
Đạo cương thường nhiệm nhặt tóc tơ
Cùng nhau chưa mấy nắng mưa
Ngờ đâu duyên phận thiên cơ bởi trời
Trách Thảo Mai ra lòng giáo giở
Trá đồ thư làm cớ gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Nỡ đem đầy chốn lâm sơn sao đành
Đỉnh non xanh một mình vò võ
Sơm khuya cùng núi cỏ ngàn cây
Đèn trăng chiếu đá màn mây
Dưỡng thân hoa quả bạn bày trúc mai
Thường vãng lai thanh sơn tú thuỷ
Lột đại xá tựa thể ngư long
Có phen biến tướng lạ lùng
Mày ngài yểu điệu má hồng phi phương
Có phen nhớ gia hương rười rượi
Mặt rầu rầu dạ rối châu xa
Có phen tưởng khách Hằng Nga
Bình:
Tưởng bề phu phụ xót xa muôn phần
Có phen trách lang quân bội bạc
Cả nghe mà trách móc duyên ai
Có phen lão ủ đào phai
Phận đành chắp chi xe gai việc thường
Có phen trai dầu sương dãi nguyệt
Ba thu tròn mong quyết thu không
Có phen nhìn áng non sông
Âu sầu đến nỗi hình dung võ vàng
Tứ bề những hổ lang ác thú
Vật đều cùng mến chúa hôm mai
Đua nhau trăm giống nghìn loài
Dâng hoa cúng quả chẳng nài công phu
Trải mười thu dãi dầu sương nắng
Tin cá trầm nhạn vắng khôn hay
Chúa buồn vì nỗi riêng tây
Hay đâu con tạo vần xoay bởi trời
Trên dương thế có người nho sĩ
Phú chênh:
Văn tú tài Liễu Nghị là tên
Trẻ thơ nhờ ấm thung nguyên
Sôi kinh nấu sử hằng chuyên việc mình
Vừa gặp hội lai kinh ứng thí
Dặm đường trường Liễu Nghị trẩy ra
Vũ môn mong nhẩy đợt ba
Hiềm đâu con tạo xoay ra bởi trời
Đi tới trốn đầu nơi hiu quạnh
Bóng ác tà sương lạnh đầu hôm
Đầy ngàn hoa quả xanh um
Trước hàng liễu ủ sau chùm đào phai
Lòng quân tử đeo đai cảnh vật
Thấy chúa ngồi tư chất dung nhan
Má đào châu lệ chứa chan
Phú giầu:
Nỉ non tấm tức khóc than một mình
Chàng trông thấy tâm tình cảm kích
Chúa ngập ngừng hỏi khách rằng hay
Sơn lâm rừng vắng chốn này
Cớ sao quân tử tới đây lạc loài
Bây giờ trăng soi ác lặn
Chàng hãy còn thơ thẩn cớ sao
Thưa rằng hàn sĩ trí cao
Mười năm đèn sách công lao chuyên cần
Hội Long Vân hiềm chưa gặp gỡ
Duyên sự này cơn cớ bởi đâu
Dám xin kết nghĩa trần châu
Kẻo còn thục nữ đeo sầu dưới trăng
Chúa nghe nói rùng rằng khôn siết
Mới nhủ chàng cả quyết sao nên
Tôi nay người dưới thuỷ tiên
Nghiêm đường trước đã định duyên giai kỳ
Khăng khăng giữ đạo tuỳ sau trước
Chẳng ngờ chàng tính nước lòng mây
Bông không gắp lửa bỏ tay
Gieo oan thất tiên đem đầy mười đông
Phiền quân tử tin thông nhạn cá
Nói lối:
Duyên sự này thiếp há đơn sai
Chẳng rằng hẳn được như lời
Sá chi bể rộng sông dài quản đâu
Nhờ bóng nguyệt đêm thâu giãi tỏ
Giãi tấc lòng nhờ có cao xanh
Hàn Sơn nghe vẳng chuông kình
Kim ô bóng đã xế hình bãi dâu
Chúa hiềm nỗi bấy lâu oan ức
Phó cho chàng một bức thư phong
Thủ vân:
Nữ tiên thủ bút
Bái tạ Long cung
Lạy vua cha chính ngự ngai rồng
Tường sự tích chung tình trúc chiếu
Phận con niên thiếu
Nữ tắc nữ công
Tự Kính Xuyên sớm kết chỉ hồng
Duyên cá nước sắt cầm hoà hợp
Vì nàng tiểu thiếp
Tên gọi Thảo Mai
Bỗng vì đâu đặt để nên nhời
Phút chốc khiến bắc nam đôi ngả
Hư không làm có
Gắp lửa bỏ tay
Trách chàng chẳng xét gian ngay
Nỡ bắt thiếp đem đầy viễn thú
Hôm mai vò võ
Tủi ngậm ngùi than
Tấm lòng son bối rối gan vàng
Đâu dạ sắt ngẩn ngơ mặt ngọc
Tưởng duyên tơ tóc
Tủi phận má hồng
Khi vui thời bạn trúc thông
Khi buồn lại than cùng hoa cỏ
Thiên duyên kỳ ngộ
Sẽ gặp tình quân
Gửi bức thư về mái hải tần
Trình khắp hết lưỡng ban thần tử
Nỗi niềm tâm sự
Mượn bút thay lời
Gửi chàng đi đến mai Long giai
Để thiếp được gần chầu thánh đế
Sơn minh hải thệ
Tạc dạ ghi lòng
Ví dù ai phụ nghĩa quên công
Xin xoi xét đôi vầng nhật nguyệt
Vãn:
Dặn chàng ra mái bể Đông
Tới đâu hễ thấy ngô đồng cây cao
Lấy kim thoa gõ vào cây ấy
Dưới thuỷ tề nghe thấy không lâu
Tuỳ cơ ứng biến nhuộn mầu
Mặc lòng nhời ngỏ , mặc dầu thơ trao
Chàng nghe nói tiêu hao sau trước
Dạ bùi ngùi chân bước đường thông
Bể đào lai láng xa trông
Nửa lo nỗi chứa nửa lòng sự duyên
Sông Ngân hán băng miền thẳng trỏ
Kiều dương:
Tới ngô đồng tay gõ vừa thôi
Tự nhiên nổi trận phong lôi
Giữa giòng bỗng thấy một đôi bạch xà
Chàng trông thấy sự đà ứng hiện
Mấy bầy nhời chúc kiến phân minh
Bạch xà thoát xuống động đình
Sai lên rẽ nước dòng xanh rước chàng
Rước chàng xuống đền vàng Thuỷ Phủ
Thấy quần thần văn vũ đôi bên
Tiêu thiều nhã nhạc dưới trên
Tả bầy ngư miếc hữu chen long xà
Kim quy sứ tâu toà ngọc bệ
Bước ra mời Liễu Nghị vào trong
Chàng quỳ dâng bức thư phong
Phụ vương trông thấy trong lòng quặn đau
Trách Kính Xuyên cơ cầu độc giữ
Mấy truyền đòi trưởng từ Xích Lân
Phán rằng em phải gian truân
Con nên rước xuống về sân chớ chầy
Nhời vương phụ phán ngay vừa kíp
Xích Lân bèn hoá phép thần thông
Bể đào lai láng mênh mông
Khắp hoà thế giới đều cùng mênh mang
Sấm chớp vang mưa tuôn bão giật
Cờn:
Quỷ cùng ta thán khắp mọi nơi
Chúa tiên về tới long giai
Kính Xuyên phải tội Thảo Mai đi đày
Công cán này ai tày Liễu Nghị
Phong cho làm quốc tế thuỷ quan
Chàng từ vâng lệch thiên nhan
Duyên ưa phận đẹp chức ban trọng dùng
Mái tiên cung an bài tự trước
Kẻ phàm trần bỗng gặp sánh tiên
Chàng từ Kim cải bén duyên
Có danh trí tuệ có quyền anh linh
Dù ai phải bất bình mỏi mệt
Tấm lòn thành khấn vái lại tha
Dù ai tiến cúng nhang hoa
Tiền tài lưu loát cửa nhà bình yên
Đã nên đấng anh linh kỳ diệu
Khắp trong triều nhường vị kính ngôi
Ồn đại thạch:
Dám xin những sự đã rồi
Xin đừng nghĩ đến dông dài làm chi
Kìa Vũ thị hảo tuỳ một tiết
Chàng Trương sinh chẳng biết ngay gian
Bóng đèn nghe trẻ nói oan
Làm cho thiếu nữ hồng nhan liều mình
Đã nên đấng anh linh liệt nữ
Trách chi người vụng xử chấp nê
Bằng nay tiên chúa sinh chi
Giá đem sau trước mà suy sự lòng
Rũ sạch không những niềm tân khổ
Nương uy trời tế độ sinh linh
Đời đời nức tiếng thơm danh
Biển vàng ghi tạc sử xanh dõi truyền
Kiêm ngũ phúc dâng lên cõi thọ
Nước trị trường thánh chúa hưng long
Mẫu về chắc giáng điện trung
Khuông phù đệ tử hưng long thọ trường

Văn chầu Đệ Tam - Mẫu Đệ Tam

Văn chầu Đệ Tam - Mẫu Đệ Tam

- Copyright © Hát Văn, Đạo Mẫu Việt Nam - Bảo tồn văn hóa Dân tộc