Recent Blog post

Hiển thị các bài đăng có nhãn quan de tam. Hiển thị tất cả bài đăng

 Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ. Hay còn gọi là Tam Phủ Vương Quan (Tam Phủ ở đây không phải là số lượng Phủ mà ý chỉ Thuỷ Phủ là phủ thứ ba trong hàng Tứ Phủ, vậy nên còn có thể gọi là Bơ Phủ Vương Quan). Quan lớn vốn là con trai thứ ba của Vua Cha Bát Hải Động Đình, là người rất được vua cha yêu quý nên giao quyền cai quản chốn Long Giai Động Đình, cận bên cạnh phụ vương.



Dưới thời Hùng Vương, theo lệnh vua cha, ông cùng hai người em (có sách nói là hai người thân cận) lên giúp Vua Hùng chỉ huy thuỷ binh, lúc này ba vị giáng ở đất Hà Nam, được nhân dân tôn thành “Tam Vị Đại Vương”, trong đó, Quan Đệ Tam là người anh cả trong ba người. Nhưng lại có điển tích nói rằng, chỉ có một mình Quan Tam Phủ giáng trần vào nhà quý tộc dưới thời Hùng Vương, ông trở thành vị tướng quân thống lĩnh ba quân thuỷ lục. Sau đó trong một trận quyết chiến, ông hy sinh (phần thượng thân (đầu) và hạ thân (mình) trôi về hai bên bờ con sông Lục Đầu). Ông hoá đi, về chầu Long Cung, là người cầm cân nảy mực, thông tri Tam Giới, quyền cai các thanh đồng đạo quan (vậy nên có khi người ta còn gọi là Ông Cai Đầu Đồng). Khi thanh nhàn ông truyền ba quân tập hợp thuyền bè, dạo chơi khắp miền, trên sông dưới suối, phù hộ cho ngư dân. 

Hầu như những người đã ra hầu Tứ Phủ, khi hầu hàng Quan Lớn, ai cũng phải hầu về Quan Đệ Tam. Có thể coi ông là vị Quan Lớn tài danh hàng đầu. Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp và ông múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ (gồm có long chu phượng mã, lốt tam đầu cửu vĩ…: tất cả đều màu trắng). 

Trong hàng quan lớn, vì danh tiếng bậc nhất nên Quan Lớn Đệ Tam cũng được lập đền thờ phụng ở khắp nơi. Nhưng đầu tiên phải kể đến Đền Lảnh Giang ở Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam (gần Hưng Yên) tương truyền là nơi hạ thân của ông trôi về, sau đó phải nói đến Đền Xích Đằng cũng thuộc Hà Nam (hai ngôi đền này chỉ cách nhau cây cầu Yên Lệnh nối hai bờ sông Lục Đầu) là nơi thờ thượng thân của ngài. Ngoài ra còn có Đền Cửa Đông tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn (gần Đền Mẫu Thoải), Đền Lâm Du thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội và Đền Tam Kì thuộc thành phố Hải Phòng (gần bến xe Tam Bạc). Ngày tiệc của Quan Bơ Phủ là ngày 24/6 âm lịch (tương truyền là ngày đản nhật giáng sinh của ông). Vậy nên trong văn hát câu rằng:



“Đản hai tư tháng sáu xưng thần 
Khắp Trung, Nam, Bắc muôn dân đảo cầu”

Khi ông về ngự đồng, khai quang chứng đàn mã sớ điệp, văn thường hát đoạn:
"Lòng thành thắp một chiện nhang 
Tấu về Thoải Phủ các ban các toà 
Thiên Đình, Thoải Phủ, Diêm La 
Tấu về Thoải Phủ Vua Cha Động Đình 
Vốn xưa là chúa Thủy Tinh...”

Ngoài ra để ca ngợi tài đức, công lao của ông, văn cũng hát: 
“Giáp bạc bao phen rực lửa hồng 
Xông pha trăm trận cũng như không 
Ra tay cứu nước trừ nguy biến 
Tiếng để ngàn thu với non sông 
[…] Gươm thần ba thước tay ngang dọc 
Tài dậy trời Tây, chí lấp bể Đông”

Hay khi nói về những cuộc dạo chơi khắp sơn thoải đại giang của ông, văn thường hát theo điệu dọc: 

“Chiếc thuyền nan nổi dòng Xích Bích 
Đua mái chèo du lịch bốn phương 
Có phen tuần thú sông Thương 
Trở ra tỉnh Bắc qua giang Lục Đầu 
[…] Có phen chơi ngã ba Bạch Hạc 
Bạn loan ngồi đàn hát vui chơi 
Dạo xem phong cảnh mọi nơi 
Qua hang Anh Vũ sang chơi nước người”

Và còn có một đoạn rất hay nói về tài phép của quan: 

“Hoá tức thì lâu đài điện các 
Dâng nước về Thuỷ Quốc một khi 
Có phen lấy ngọc lưu ly 
Đùng đùng dâng nước phép thì ai đang”

Sự tích quan lớn Đệ Tam Lảnh Giang

- Copyright © Hát Văn, Đạo Mẫu Việt Nam - Bảo tồn văn hóa Dân tộc